ĐỘC HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG KHÓ

Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | ĐỘC HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG KHÓ

Tại Hội nghị cấp cao Á- Âu (ASEM 5) năm 2004 và Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC 14 năm 2006 diễn ra tại Việt Nam, nhà thiết kế Minh Hạnh đã chọn “lụa Lý” (lụa của ông Hồ Viết Lý, giám đốc công ty Toàn Thịnh Silk) để may trang phục cho 39 vị lãnh đạo ASEM 5 và 21 vị lãnh đạo nền kinh tế thành viên APEC. Hình ảnh các vị lãnh đạo các nền kinh tế có mặt tại Việt Nam cùng mặc bộ trang phục may từ lụa Việt đã khiến nhiều người Việt không khỏi tự hào  …Sau sự kiện đó, ông Lý vẫn âm thầm nghiên cứu để cho ra những tấm lụa đa sắc và bổ sung thêm nhiều sản phẩm quà tặng từ lụa.

Thỉnh thoảng ghé thăm cửa hàng Toàn Thịnh Silk ở 180 Lý Tự Trọng quận 1, không khó để nhận ra sự thay đổi: có nhiều loại lụa hơn, từ loại pha sợi cotton đến loại 100% silk, từ mỏng mịn như chiffon, organza đến dầy như đũi, damask …. Một sản phẩm được bán ra ở đây bao giờ cũng được bao gói rất đẹp, kèm với tờ giấy in hướng dẫn cách sử dụng bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Giờ đây, bên cạnh hàng trăm mẫu vải tơ tằm dùng để may đủ kiểu trang phục; quần áo thời trang từ lụa hiệu Setaly; cửa hàng còn trưng bày trang trọng nhiều loại khăn quàng và cravate bằng lụa với màu sắc phong phú.

Ông Hồ Viết Lý – Giám đốc công ty Toàn Thịnh (Toàn Thịnh Silk) – hào hứng chia sẻ :

– Những mẫu khăn quàng lụa in các thắng cảnh Việt Nam của Toàn Thịnh Silk hiện đang được chào bán tại các cửa hàng trong sân bay Tân Sơn Nhất, như một món quà dành cho người xa quê và làm ấm áp những người thường đi công tác nước ngoài, đặc biệt khi họ làm công việc có tính chất ngoại giao, muốn giới thiệu hình ảnh Việt Nam.

PV: Nhưng ngoài chợ Bến Thành và phố Đồng Khởi chưa thấy sản phẩm của Toàn Thịnh Silk?

Ông Hồ Viết Lý (HVL): Đúng là chưa, vì chúng tôi chưa có cửa hàng riêng ở những nơi đó, nhưng thỉnh thoảng người bán ở hai nơi này vẫn đặt hàng Toàn Thịnh Silk.

PV: Mở công ty dệt lụa tơ tằm ở TP HCM từ 13 năm trước, có vẻ như ông đã chọn đúng nơi tiêu dùng sản phẩm lụa thiên nhiên – một loại vải cao cấp?

Ông HVL: Năm 1981 tôi đã khởi nghiệp nghề này, thực ra gắn bó với nó hơn 30 năm nay rồi, còn công ty chính thức ra đời được 13 năm. Thị trường tiêu dùng hàng lụa ngày càng phát triển, dù có tăng trưởng chậm. Số lượng tăng nhiều nhất là những người bắt đầu quan tâm tới lụa. Riêng nhóm khách hàng thân thiết chỉ thích mặc lụa thôi, không chọn loại vải khác …tăng chậm hơn. Chủ yếu khách hàng của Toàn Thịnh Silk vẫn là người Việt Nam. Một khi họ đã sử dụng lụa Toàn Thịnh thì họ luôn quay trở lại để mua.

Có những vùng miền trước kia không có cửa hàng bán sản phẩm Toàn Thịnh Silk, nay đã có như Đà Nẵng và Nha Trang. Tôi biết mình yếu nhất là khâu quảng cáo, sản phẩm được tìm mua chủ yếu là qua “truyền miệng” và qua trang web www.toanthinhsilk.com. Đúng là Toàn Thịnh silk chưa tận dụng hết mọi cơ hội quảng bá sản phẩm. Và chúng tôi đang có kế hoạch để khắc phục nhược điểm này.

PV: Khó khăn lớn nhất của việc tiêu thụ lụa tơ tằm theo ông là gì?

Ông HVL: Đó là về giá cả. Khách hàng mê lụa nhưng họ luôn phân vân về giá.
Họ không biết lụa tơ tằm hoàn toàn là sợi thiên nhiên nên có được nó phải qua nhiều công đoạn lắm, nên giá không thể rẻ. Bắt đầu từ việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ… Nuôi con tằm đến độ nhả tơ phải mất một tháng cho nên người nông dân phải ăn cơm đứng, giống như câu tục ngữ mô tả: Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng (ý ông bà xưa nói: nuôi tằm rất vất vả). Để ra sợi tơ đẹp thì đòi hỏi người thợ ươm phải rất khéo léo. Có được sợi tơ rồi dệt thành tấm lụa cũng không phải dễ. Để xử lý một mét vải hoàn hảo thì tôi phải kết hợp từ thủ công đến máy móc hiện đại.

Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | ĐỘC HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG KHÓ

Mặt khác, khách hàng cũng ngại việc dùng lụa phải giặt bằng tay hoặc giặt hấp. Thực sự, biết cách thì không mất thời gian đâu. Chúng tôi luôn hướng dẫn khách cách giặt, cách phơi, cách ủi, cách bảo quản ….sản phẩm lụa. Nhưng có lẽ chỉ người kỹ tính mới dám sử dụng lụa hàng ngày. Mặc nó phải có thời gian giặt nó, tận tụy với nó khi ủi, khi mặc…thì mới giữ gìn được màu sắc và độ bền của lụa.

Cái đắt của lụa đáng để đắt, nếu ai cũng hiểu lụa tơ tằm nhẹ nhàng, sang trọng, đem lại sự mát mẻ khi mùa hạ đến và ấm áp khi mùa đông về.

PV: Toàn bộ tơ để Toàn Thịnh dệt, ông mua ở đâu?

Ông HVL: Toàn bộ tơ chúng tôi mua được khai thác trong nước, nguồn cung lớn nhất là Lâm Đồng.

PV: Tôi thật ngạc nhiên khi thấy lụa Lý thật đa dạng và có nhiều màu sắc, nhiều hoa văn?

Ông HVL: Thực sự việc tìm tòi nghiên cứu để thiết kế dệt nhiều loại vải khác nhau trên sợi tơ tằm và hoàn tất màu sắc đa dạng là điểm mạnh nhất của Toàn Thịnh, tôi cảm thấy vui và tự hào giờ thì khâu nhuộm màu in hoa….của chúng tôi rất tốt tạo ra những tấm vải khá đẹp, nhất là vải may áo dài, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Lúc trước không được như vậy.

PV: Nghe nói lụa Lý còn nhuộm màu từ củ quả và lá cây trong tự nhiên?

Ông HVL: Đã từng có những khách hàng đặt Toàn Thịnh nhuộm vải lụa với màu tự nhiên, chúng tôi đã thử và đã thành công trong việc sử dụng củ nâu, hạt điều, gấc, củ nghệ, lá tre, lá cẩm, trái măng cụt, trái mặc nưa…nhuộm màu trên vải.

Màu sắc của cây cỏ hoa lá ở chung quanh mình rất nhiều và có thể gắn vào lụa. Kỳ công nhất là việc chiết xuất màu sắc và đưa vào vải sao cho bền màu. Làm ra một sản phẩm lụa có màu tự nhiên như thế phải thử đi thử lại, kỳ công lắm, nên dĩ nhiên có giá đắt hơn loại nhuộm màu hóa chất vì các công đoạn nhuộm màu rất công phu và tỷ mỷ, nhưng tuyệt đối an toàn cho da vì không gây dị ứng.

Tôi vẫn mơ ước có một cửa hàng chuyên bán lụa nhuộm màu từ tự nhiên, thân thiện với môi trường. Lụa nhuộm màu sắc từ tự nhiên chủ yếu chỉ có sắc trầm, không chói sáng nhưng mặc vào dễ chịu lắm. Hiện nay thì ai đặt lụa nhuộm màu tự nhiên thì chúng tôi mới làm.

PV: Sản phẩm mới nhất của ông hiện nay là gì?

Ông HVL: Một năm nay tôi tập trung vào dòng sản phẩm du lịch là khăn quàng, từ mỏng đến dày, được in hoa văn hoặc phong cảnh du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Huế, Mỹ Sơn, Sapa…với giá trung bình trên 300.000 đồng – 1,5 triệu đồng/c. Mới đây, chúng tôi còn tạo được mùi hương hoa lài trên một số khăn choàng lụa. Dù đã giặt rồi, chiếc khăn lụa vẫn thoang thoảng mùi hoa lài rất dễ chịu.

PV: Hẳn ê kíp nghiên cứu thiết kế ở Toàn Thịnh Silk có nhiều người giỏi?

Ông HVL: Nói thật nghề lụa là phải đam mê, vợ chồng tôi đam mê với lụa và cùng truyền lửa lại cho những con em xứ Quảng, cho nên có những em đã cùng đồng hành với công ty đến ngày hôm nay.

Cha mẹ tôi trước ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam…vốn có truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Sau này tôi lấy vợ thì vợ tôi cũng là người trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Đồng . Sự kết duyên này đã khiến cuộc đời của vợ chồng tôi mải miết gắn bó với lụa, dù trôi giạt vào Saigon lập nghiệp cũng không dứt nỗi đam mê này.

Trước khi thành lập nhà máy dệt lụa tơ tằm ở Saigon, tôi phải tự mình đi học cách làm lụa ở nhiều nơi, từ miền bắc, miền trung, sang cả Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc…để học hỏi. Có nhiều đêm tôi thức đến 2 – 3h sáng để hoàn tất những mẫu phác thảo hoa văn trên máy. Có mẫu rồi, phải nghiên cứu ra cách dệt ra tấm lụa và vợ tôi là người sử dụng đầu tiên để tìm ra ưu và khuyết của sản phẩm.

Nay thì các con đã lớn, tôi bắt đầu để các con nối tiếp. Tính chất gia đình giúp nghề này bền bỉ, bởi phải có sự say mê từ trong gia đình, trong huyết quản mới có thể sâu sát với nghề. Nghề dệt lụa khó lắm, do độ nhạy cảm của tơ tằm cao, trong quá trình dệt dễ bị hư lắm, nên ai hiểu được mới không phụ nó.

PV: Ông từng nói: Theo nghề này ông đã chọn sự độc hành trong con đường khó, thế sao ông muốn con mình đi theo?

Ông NHL: Ở Saigon đúng là chỉ riêng Toàn Thịnh có một nhà máy dệt lụa tơ tằm thôi, tôi không có bạn đồng hành, một mình từng bước trên con đường tơ lụa. Muốn có cộng đồng, được sự đồng cam cộng khổ trong nghề phải đi xa. Nhờ đam mê lụa mà tôi cố tự tìm hiểu, tự nghiên cứu, tìm cách làm cho được.

Tôi đã chọn nghề này như cái nghiệp của mình, nay có cháu ngoại cháu nội tôi vẫn xác định đi với lụa tơ tằm đến cuối cuộc đời. Tôi từng nói với các con: Nếu các con cảm thấy thích và đam mê nghề này thì nên tiếp tục phát triển công ty, vì những gì khó khăn nhất thì cha đã trải qua rồi. Nếu các con không nhận thì cha sẽ chấm dứt chứ không làm cái gì khác.

Tôi có một ước mơ là 30 năm sau, Saigon vẫn có lụa Lý trong những sự kiện.

PV: Phải mất bao lâu thì ông mới nghiên cứu cho ra một mẫu lụa mới? Có bao giờ ông làm hỏng?

Ông HVL: Nhanh nhất mất một tuần và lâu nhất mất cả tháng. Có được một sản phẩm mẫu phải chuẩn bị từ khâu chọn tơ, tìm tòi xem dệt thế nào, mật độ sợi trong một centimet; khi dệt xong rồi phải coi nhuộm sao cho bắt màu; có được tấm vải rồi phải giặt thử, may thử….Như vậy mới đánh giá được. Có những lúc ra thành phẩm rồi lại thấy không ổn, phải bỏ đi làm lại. Điều thuận lợi là các khâu do mình chủ động. Khó nhất là khâu định dạng trong thiết kế vải nhưng tôi cũng không bị lệ thuộc ai.

Trong nhiều loại vải lụa, khó nhất là việc dệt nên những tấm khăn lụa mỏng. Nguyên liệu đắt nhưng có khi dệt ra bị hư, phải bỏ đi làm lại. Khi đã nhận đơn hàng của khách thì dù khó đến đâu, tôi cũng theo đến cùng.

PV: Khách hàng thân thiết của ông có những nhà thiết kế thời trang Việt không?

Ông HVL: Có chứ, nhưng những nhà thiết kế thời trang phải có ý tưởng và tay nghề cao mới dám dùng lụa để thiết kế, chẳng hạn như Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Quỳnh Paris, Lê Thanh Phương..v..v…

PV: Tình hình kinh tế khó khăn hai năm nay có ảnh hưởng đến doanh thu của Toàn Thịnh Silk không?

Ông HVL: Ảnh hưởng rất nhiều vì cái ăn cái mặc luôn luôn đi đôi với nền kinh tế, nhưng cũng may tôi vẫn duy trì công ty đến ngày hôm nay.

PV: Băn khoăn lớn nhất của ông đối với ngành dệt lụa tơ tằm?

Ông HVL: Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi nào cho các doanh nghiệp theo nghiệp dệt lụa tơ tằm này. Tôi cần sự hỗ trợ của Nhà nước nhiều hơn , nhưng cái chung chưa thấy. Như đã thấy Tổng công ty dâu tằm tơ Viseri một thời lừng lẫy nhưng nay không hồi phục lên được nữa, những nhà máy thuộc Viseri nay phải gia công cho nước ngoài. Còn tư nhân theo nghề lụa thì mạnh ai nấy làm theo sức của mình, nhỏ lẻ và không mạnh.

Một băn khoăn nữa là tôi luôn luôn hy vọng trại tằm giống Việt Nam sẽ hồi sinh.

PV: Điều ông mơ ước về chính sách ?

Ông HVL: Nhà nước có sự quan tâm đến ngành trồng dâu nuôi tằm, hỗ trợ cho người nông dân có truyền thống làm nghề này, nếu không tôi e rằng tương lai nghề trồng dâu nuôi tằm sẽ bị mai một….do giới trẻ ngày nay ngày càng xa rời công việc nông nghiệp!

PV: Xin cảm ơn ông.

Thanh Thủy (thực hiện)

(Đã đăng tạp chí Doanh Nhân vào tháng 10/2013)

Nguồn: thuyhome.com

Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | ĐỘC HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG KHÓ

Công Ty TNHH Dệt Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh
GPKD: 4102007320 cấp ngày 16/11/2001

Trụ sở: 12 - 14 Phạm Phú Thứ, P.11,
Q.Tân Bình, Tp.HCM, Việt Nam Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | ĐỘC HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG KHÓ
Số điện thoại: 028 38 642402
Email: info@toanthinhsilk.com

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | ĐỘC HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG KHÓ

NHẬN EMAIL HỢP TÁC

Vui lòng để lại thông tin



    TOAN THINH SILK

    Đến với Lụa Toàn Thịnh, Quý Khách Hàng sẽ được nhân viên nhiều kinh nghiệm tư vấn tận tình, chọn lọc những sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

    "Thích ngay, khi cảm nhận đến Lụa"

    Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | ĐỘC HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG KHÓ
    Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | ĐỘC HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG KHÓ

    Toan Thinh Silk

    Q&A (Multi language) - 24/7

    I will be back soon

    Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | ĐỘC HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG KHÓ

    Lụa Toàn Thịnh - Toan Thinh Silk
     Xin chào! Bạn có yêu cầu gì, hãy tương tác với chúng tôi nhé.