NGƯỜI PHÁC THẢO CON ĐƯỜNG TƠ LỤA SÀI GÒN

Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | NGƯỜI PHÁC THẢO CON ĐƯỜNG TƠ LỤA SÀI GÒN

Khi Hải Vân – bên ni là Huế vẫn còn mang cái gió bấc lạnh lùng thổi từ phương Bắc – thì bên tê – Quảng Nam – Đà Nẵng gần như không có mùa đông.

Chỉ có những cơn mưa muộn nối theo mùa bão lũ. Có lẽ vì thế mà “nhát cắt” của nền văn hóa Sa Huỳnh này lại trở thành là “đất tổ” của nghề trồng dâu nuôi tằm. Từ đây, từ những lứa kén tinh khôi, người dân xứ Quảng đã dệt nên những thước vải – khởi đầu cho một hành trình tơ lụa phương Nam.

Trong dòng người từ Quảng Nam ngược lên Bảo Lộc – Lâm Đồng vào những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, Hồ Viết Lý đã mang theo khát vọng khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm. Để đến khi kết duyên cùng người con gái ở xứ hoa thì giấc mơ ươm tơ dệt lụa đã thành hình…

Lụa Phú Bông ngược lên Bảo Lộc, tạo nên thương hiệu ở vùng trung du Liang Biang, rồi từ đó lại xuôi về đồng bằng, trụ tại khu Bảy Hiền – Hòa Hưng – Tân Bình, làm nên một thứ đặc sản: lụa Sài Gòn. Giữa phố thị đông đúc, tiếng thoi dệt có lúc tưởng như lạc lõng. Chàng trai tuổi 24 này cũng đã nhiều phen bươn chải với đủ thứ nghề. Thế nhưng cuối cùng, khung, cửi, sợi, tơ cứ cuốn lấy anh, giữ chân anh cùng người vợ thủy chung với cơ nghiệp nhà chồng, làng nghề quê chồng. Khách hàng quen miệng gọi luôn thứ lụa mà họ làm ra là “lụa Mai Lý” (ghép tên của hai vợ chồng). Đấy cũng là thời điểm tròn 10 năm, anh Lý chị Mai tham gia thị trường lụa phương Nam.

Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | NGƯỜI PHÁC THẢO CON ĐƯỜNG TƠ LỤA SÀI GÒN

Nhớ những chuyến leo tàu ra Bắc, tìm về những làng lụa tơ tằm nổi tiếng như Vạn Phúc, La Khê, Hà Đông… anh như cậu học trò nhỏ, âm thầm học, lặng lẽ ghi chép những kỹ thuật dệt lụa truyền thống. Vẫn đam mê dù đơn độc. Ngày lụa Mai Lý ra lò, khách hàng đón nhận nồng nhiệt. Nhưng anh Lý vẫn chưa hài lòng, bởi lụa còn khô cứng, sợi vải vẫn thô. Chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời, với anh, không ngoài mục tiêu… lụa. Anh tìm sang Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc – những vương quốc của lụa để tìm hiểu công nghệ thiết kế, những phần mềm xử lý lụa… Chàng trai đất Quảng năm nào đã biết phác thảo những áng lụa không chỉ bằng thủ công truyền thống mà bằng kỹ thuật xử lý, để sợi tơ đạt độ mềm mại; khắc phục những lỗi trên bề mặt và góp phần hình thành một công nghệ dệt lụa hiện đại.

14 năm cho một hành trình của đam mê và nghiệp dĩ, lụa như thể đã vận vào đời anh, trắng tay cũng vì lụa và thỏa “chí tang bồng” cũng nhờ lụa. Năm 2000, công ty TNHH dệt lụa tơ tằm Toàn Thịnh chính thức ra đời, định vị một “cung đường lụa” trên thị trường may mặc Việt Nam.

Năm 2004, khi Văn phòng Chính phủ chính thức chọn Minh Hạnh là nhà thiết kế trang phục cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị cấp cao Á – Âu ASEM V tại Hà Nội, một cuộc chạy đua không chỉ về ý tưởng mà còn là nguyên liệu, màu sắc, để chuyển tải những thông điệp về văn hóa Việt Nam qua đồng phục chính khách hàng nguyên thủ, đã diễn ra.

Minh Hạnh với “phẩm chất”… khó tính và đầy kiêu hãnh nhưng đã chủ động hẹn ông chủ của lụa Toàn Thịnh. Và cái thâm giao với lụa đã kết nối họ lại. Minh Hạnh không rào đón, đặt ngay vấn đề, tôi cần một loại vải damask silk có hoa văn hình rồng. Kích thước bề ngang là 18cm, dài 60cm. Trong khi, tại thời điểm đó, kỹ thuật dệt hoa văn chỉ đạt bề ngang tối đa là… 6cm. Một đòi hỏi có vẻ hơi… “quá đáng”! Chưa hết, hình tượng rồng phải là Lưỡng long triều nguyệt – hai con rồng chầu mặt trăng, một di sản về hội họa và kiến trúc của triều Nguyễn còn lưu lại trên những bản khắc gỗ.

Một mệnh lệnh nhưng không phải của thượng cấp với thuộc cấp mà của những đam mê và ý chí chinh phục đến tuyệt đối. Và Hồ Viết Lý đã xiết chặt tay Minh Hạnh thay cho lời cam kết.

Mất ba tháng để chuẩn bị cho công nghệ tương thích; tám tháng ông chủ Lý và nhà thiết kế Minh Hạnh cùng dàn chuyên viên – kỹ thuật của Toàn Thịnh – FADIN ngược xuôi từ xưởng dệt lên Viện Mẫu. Những công đoạn phức tạp đòi hỏi phải tập trung cao và tính sáng tạo bất tận. Cam go nhất là khâu thực hiện hoa văn Lưỡng long triều nguyệt phải cần tới 18.000 bản jacquard (bản rập để dệt hoa văn – so với mẫu hoa văn bình thường chỉ cần 600 bản), cùng lúc phải dùng hai cỗ máy dệt song song, loại máy dệt hiện đại chưa từng có ở Việt Nam, kể cả ở một số quốc gia có thế mạnh về lụa trong khu vực cũng chưa ứng dụng, vậy mà mọi thứ cũng được vận hành thông suốt. Cuối cùng, vượt qua 20 bản mẫu trang phục, mẫu áo điểm xuyết hoa văn Lưỡng long triều nguyệt do Viện mẫu FADIN thiết kế trên nền Damask silk – lụa tơ tằm tự nhiên 100% đã chính thức được chọn. Những chính khách danh giá nhất của thế giới đã hài lòng khi khoác lên mình trang phục đậm bản sắc Việt Nam. Thế nhưng, mấy ai biết, đằng sau niềm tự hào về dáng vóc văn hóa Việt ấy, có hai con người đã lặng lẽ chia vui. Minh Hạnh chỉ còn biết thốt lên: Damask silk hoàn toàn có thể sánh vai cùng Batik của Indonesia, Malaysia, tơ sống của Philippines, tơ tằm Taffeta của Thái Lan và gấm của Trung Quốc…

Cũng từ dạo ấy, nhiều cô gái ở làng Vạn Phúc, ở Hà thành đã ngược vào phương Nam chọn một tấm lụa Lý – Toàn Thịnh để may chiếc áo cô dâu cho ngày trọng đại nhất của đời mình.

Từ xa xưa, cư dân cổ Sa Huỳnh là những nghệ nhân đích thực, nếu không muốn nói là những chuyên gia về chất liệu màu. Mang trong mình dòng máu của văn hóa Sa Huỳnh, cùng với những ký ức tuổi thơ đã đưa ông Hồ Viết Lý tiếp tục phiêu lưu vào những vùng lụa.

“Thuở nhỏ, tôi thường thấy cha sử dụng sợi tơ tằm để đan lờ, làm lưới cá. Sau khi đan xong, ông lên rừng đào một loại củ, nấu chung với lờ, lưới để nhuộm, giúp sợi tơ không bị mục khi ngâm lâu ngày dưới nước”. Mò mẫm theo cha, trong một lần nhà báo Hằng Nga – nguyên Tổng biên tập báo Người Lao Động biếu ông ít củ ấu, ông nấu lên rồi cũng đem nhuộm thử 5m vải, không ngờ vải đổ màu theo củ ấu. Đang lau chùi bàn thờ ông bà, thấy đám bụi tro bám vào áo quần, ông bèn đem màu tro và nhuộm thử. Bài học của cha ông còn đó, lãnh Mỹ A đã được nhuộm bằng mạt nưa thì lẽ nào lụa “Lý Sài Gòn” lại không lọt lòng từ những giống rau quả mang sắc màu quê hương giản dị, đằm thắm nhưng trong sáng và tinh khiết đến lạ kỳ.

Thế là các loại màu có từ lá, củ, quả được ông sưu tập. Hàng chục loại thực vật – thực phẩm vốn chỉ quen hiện diện ngoài chợ, trong giỏ xách của các bà nội trợ, nơi xó bếp, bàn ăn của mọi gia đình như lá cẩm, trà xanh, củ nghệ, củ dền, hạt điều, hạt cà phê, đậu đen, đậu đỏ… đã được “soán ngôi”, trở thành nguyên liệu trong dây chuyền nhuộm thiên nhiên của lụa “Lý Sài Gòn”. Loại bỏ những hóa chất gây hại cho da người, cũng có nghĩa là ông đã tạo nên một sản phẩm thân thiện với môi trường. Thật kỳ lạ. Khởi nguồn từ thiên nhiên, lụa ra đời, qua bao tìm tòi để đạt trình độ công nghệ sản xuất rồi lại trở về với hương sắc cỏ cây.

Ngay trước ngày Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ sáu của Hiệp hội thời trang châu Á, người đàn ông của lụa đã bất ngờ tìm ra bí quyết lọc màu, chỉ cần ba giờ, ông có thể tạo màu sắc thiên nhiên trên những thảm lụa mềm mại, nền nã, tinh khiết.

Không còn là dự cảm mà là một dự báo: Hồ Viết Lý đang hoàn tất một con đường tơ lụa Sài Gòn – Việt Nam

Nguồn: Đức Phong – Báo Phụ Nữ

Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | NGƯỜI PHÁC THẢO CON ĐƯỜNG TƠ LỤA SÀI GÒN

Công Ty TNHH Dệt Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh
GPKD: 4102007320 cấp ngày 16/11/2001

Trụ sở: 12 - 14 Phạm Phú Thứ, P.11,
Q.Tân Bình, Tp.HCM, Việt Nam Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | NGƯỜI PHÁC THẢO CON ĐƯỜNG TƠ LỤA SÀI GÒN
Số điện thoại: 028 38 642402
Email: info@toanthinhsilk.com

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | NGƯỜI PHÁC THẢO CON ĐƯỜNG TƠ LỤA SÀI GÒN

NHẬN EMAIL HỢP TÁC

Vui lòng để lại thông tin



    TOAN THINH SILK

    Đến với Lụa Toàn Thịnh, Quý Khách Hàng sẽ được nhân viên nhiều kinh nghiệm tư vấn tận tình, chọn lọc những sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

    "Thích ngay, khi cảm nhận đến Lụa"

    Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | NGƯỜI PHÁC THẢO CON ĐƯỜNG TƠ LỤA SÀI GÒN
    Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | NGƯỜI PHÁC THẢO CON ĐƯỜNG TƠ LỤA SÀI GÒN

    Toan Thinh Silk

    Q&A (Multi language) - 24/7

    I will be back soon

    Lụa Tơ Tằm Toàn Thịnh, Toan Thinh Silk, Vietnam Silk | NGƯỜI PHÁC THẢO CON ĐƯỜNG TƠ LỤA SÀI GÒN

    Lụa Toàn Thịnh - Toan Thinh Silk
     Xin chào! Bạn có yêu cầu gì, hãy tương tác với chúng tôi nhé.